Kết quả bước đầu sử dụng vạt tự do đùi trước ngoài nối thông mạch máu điều trị tổn thương vùng cổ tay sau bỏng điện cao thể
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Bỏng điện cao thế hay gặp ở vùng cổ tay do đây là vị trí điểm ra của dòng điện. Khi tổn thương mạch máu đi kèm tổn thương da và mô mềm vùng cổ tay, có rất nhiều các phương pháp vừa nhằm che phủ, vừa phục hồi lại tuần hoàn vùng cổ tay. Tuy vậy, có rất ít báo cáo về sử dụng vạt đùi trước ngoài có nối thông mạch máu để che phủ và khôi phục lại tuần hoàn vùng cổ tay sau bỏng điện cao thế.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu 5 bệnh nhân bỏng điện cao thế vùng cổ tay vào Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác điều trị từ tháng 8/2020 đến 8/2022. Các bệnh nhân bị bỏng điện cao thế gây tổn thương vùng cổ tay, có tổn thương mạch máu vùng cổ tay (xác định qua chụp mạch máu vùng cổ tay), vùng cho vạt (vùng đùi) còn lành, không bị tổn thương.
Phẫu thuật được thực hiện qua 02 giai đoạn: Giai đoạn 1: Được cắt lọc tổ chức hoại tử vùng cổ tay, lấy sạch mô hoại tử: gân, cơ, thần kinh,… Giai đoạn 2: Thiết kế vạt da đùi trước ngoài để che phủ vùng cổ tay, tiến hành rạch da và bóc tách vạt da; đưa vạt đến vị trí cần tạo hình vùng cổ tay, nối thông mạch máu. Theo dõi và đánh giá sau phẫu thuật: Bệnh nhân được đánh giá tình trạng vạt sau phẫu thuật, chụp mạch vùng cổ tay đánh giá tình trạng lưu thông mạch máu sau mổ ở các thời điểm 6 tháng và 12 tháng sau mổ.
Kết quả và bàn luận: Nghiên cứu được tiến hành trên 05 bệnh nhân nam, tuổi từ 20 tới 42 tuổi, bị tổn thương bỏng điện cao thế, vào viện từ 20 ngày tới 58 ngày sau bỏng. Tổn thương vùng cổ tay do bỏng điện: 4 trường hợp bên phải và 1 trường hợp bên trái. Có 04 bệnh nhân bị tổn thương gây tắc và hoại tử động mạch quay, 01 trường hợp tổn thương tắc bó mạch trụ, không có bệnh nhân nào bị tắc cả bó mạch quay và bó mạch trụ. Kích thước tổn thương sau cắt lọc từ 12 x 11cm tới 25 x 16cm. Các vạt có kích thước từ 14 x 14cm tới 28 x 18cm, chiều dài đoạn mạch máu cần bắc cầu từ 12 tới 24cm. Theo dõi sau xuất viện từ 6 tháng đến 1 năm sau phẫu thuật, vạt sau mổ đảm bảo che phủ tốt tổn thương, mềm mại, không bị dày mỡ, dòng máu bàn tay được đảm bảo tốt. Vùng đùi cho vạt để lại sẹo phì đại, không ảnh hưởng đến sức cơ của đùi và chức năng khớp gối.
Kết luận: Điều trị tổn thương do bỏng điện cao thế vùng cổ tay vẫn còn là thách thức. Sử dụng vạt đùi trước ngoài có nối thông mạch máu vừa đạt mục đích che phủ tổn thương, vừa khôi phục dòng máu vùng cổ tay là lựa chọn thích hợp cho điều trị loại tổn thương này.
Chi tiết bài viết
Từ khóa
Bỏng điện cao thế, phẫu thuật vùng cổ tay, vạt đùi trước ngoài tự do có nối mạch máu
Tài liệu tham khảo
2. Lee DH, Desai MJ, Gauger EM. Electrical injuries of the hand and upper extremity. Ame Acad Orthop Sur, 2019; 27, e1-e8.
3. Shen ZY, Chang ZD, Wang NZ. Electrical injury of wrist: classification and treatment--clinical analysis of 90 cases. Burns, 1990; 16, 449-56.
4. Luan A, Galvez MG, Lee GK. Flow-through omental flap to free anterolateral thigh flap for complex chest wall reconstruction: case report and review of the literature. Microsurgery, 2016; 36, 70-6.
5. Miyamoto S, Fujiki M, Nakatani F, et al. Free flow-through anterolateral thigh flap for complex knee defect including the popliteal artery. Microsurgery, 2015; 35, 485-8.
6. Qing L, Wu P, Liang J, et al. Use of flow-through anterolateral thigh perforator flaps in reconstruction of complex extremity defects. J Reconstr Microsur, 2015; 31, 571-8.
7. Zhao JC, Shi K, Hong L, et al. Retrospective review of free anterolateral thigh flaps for limb salvage in severely injured high-voltage electrical burn patients. Ann Plas Surg, 2018; 80, 232-7.
8. Thomson CJ, Miles DA, Beveridge J, et al. Treatment of electrical burns by single debridement followed by free-flap coverage: How important is timing? Canada J Plas Surg, 2004; 12, 35-6.
9. Yokota K, Sunagawa T, Suzuki O, et al. Short interposed pedicle of flow-through anterolateral thigh flap for reliable reconstruction of damaged upper extremity. J Reconstr Microsurg, 2011; 27, 109-14.
10. Park KH, Park WJ, Kim MK, et al. Alterations in arterial function after high-voltage electrical injury. Critical Care (London, England), 2012; 16, R25.
11. Pannucci CJ, Osborne NH, Jaber RM, et al. Early fasciotomy in electrically injured patients as a marker for injury severity and deep venous thrombosis risk: an analysis of the National Burn Repository. J Burn Care Res, 2010; 31, 882-7.
12. Soutar DS, Scheker LR, Tanner NS, et al. The radial forearm flap: a versatile method for intra-oral reconstruction. British J Plas Surg, 1983; 36, 1-8.
13. Wang Y. Application of venous or arterial trunk free flaps in the treatment of severe wrist electrical burns. J Med Theory Prac, 2002; 15, 1289-90.
14. Hsiao YC, Yang JY, Chang CJ, et al. Flow-through anterolateral thigh flap for reconstruction in electrical burns of the severely damaged upper extremity. Burns, 2013; 39, 515-21.